Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Rắn hiền và rắn độc- ST bài viết của nhà nghiên cứu ĐV Ngô Văn Trí


Cận cảnh rắn “hiền” và rắn độc
SGTT.VN - Đôi khi trong những chuyến đi rừng, rẫy hay du lịch sinh thái… chúng ta vô tình bắt gặp một con rắn. Phản ứng thông thường trong phút bối rối là hét lên, đứng thất thần hay cầm cây đập rắn chết ngay mà không cần thiết phải phân biệt loài rắn đó độc hay không độc. Tuy nhiên, nếu hiểu tập tính của chúng, chúng ta sẽ tránh được những tai nạn đáng tiếc mà không làm tuyệt diệt những loài rắn quý.
Hơn 15 năm đi rừng, tôi đã bắt gặp những loài rắn như vậy. Chúng tuyệt đẹp và chuyện tấn công người thường là một phản ứng tự vệ.
Trăn lèn – Orthriophis moellendorffii (Boettger, 1886):
Trăn lèn. Ảnh: Ngô Văn Trí
Trăn lèn hay còn gọi với tên khác rắn đốm đầu đỏ hay rắn đốm đuôi đỏ. Trăn lèn có chiều dài cơ thể khoảng 1 – 2 m. Trăn lèn sở hữu một cơ thể tuyệt đẹp, có màu xanh xám, toàn thân có nhiều đốm đồng tiền màu nâu đỏ (màu sắc báo hiệu nguy hiểm), đặc biệt chiếc đầu có màu đỏ rỉ sắt và đuôi có những vạch màu đỏ. Loài này thường ở trong các lèn đá vôi. Trăn lèn thuộc họ rắn nước – Colubridae. Bất ngờ gặp chúng trong hang, hốc hay kẹt đá vôi hay đôi khi trên lối đi thì cũng thấy ớn lạnh bởi chiếc lưỡi thè ra khi thấy ánh đèn pin. Loài này khá to, trông rất hung dữ, nhưng hoàn toàn vô hại với con người. Khi vô tình bị cắn chỉ hơi đau một chút, chảy máu, nhưng không sao cả vì rắn này không hề có răng nanh và tuyến nọc. Trong tự nhiên, loài này chỉ ăn dơi, chuột, ếch, nhái...; thường phát hiện ở các tỉnh từ Nghệ An ra đến các tỉnh phía Bắc. Loài này quí hiếm, có số lượng ít ngoài thiên nhiên nên đã được ghi nhận trong sách Đỏ của Việt Nam.
Rắn sói – Lycodon cf. ruhstrati:
Răn sói Ảnh: Ngô Văn Trí
Rắn sói có kích cỡ tương đối nhỏ. Thân thường có chiều dài khoảng 20 – 40 cm. Mới thoạt nhìn trông cũng thấy đầy vẻ chết chóc, bởi loài rắn này sở hữu màu sắc đen trắng xen kẽ trên cơ thể từ cổ tới đuôi như rắn cạp nia, nhưng các vân trắng và đen hẹp hơn, trên đầu có đốm trắng với những vệt đen nhỏ. Rắn cạp nia toàn thân cũng có màu đen trắng xen kẽ nhau, nhưng các vân có độ rộng hơn và đầu đen, con trưởng thành có kích cỡ lớn hơn nhiều lần. Thực ra đây chỉ là hiện tượng mô phỏng (bắt chước) màu sắc của rắn cạp nia (rắn độc), nhưng loài rắn này hoàn toàn hiền lành và vô hại, vì chúng không có răng nanh và nọc độc. Loài này thường bắt gặp trong hang đá vôi hay trong kẹt, hốc cây, di chuyển rất chậm khi thấy ánh đèn. Ngược lại loài rắn cạp nia di chuyển rất nhanh, ban ngày trông chậm chạp vì rắn hoạt động về đêm. Nếu bạn không rành lắm trong cách nhận dạng sơ bộ, tốt hơn hết là tránh xa chúng. Có một vị giáo sư đã nhầm lẫn rắn con của loài cạp nia là rắn sói nên đã giá quá đắt bằng chính sinh mạng của mình, do đó ta không nên chọc phá và giết chúng.
Rắn rào đốm – Boiga multomaculata (Reinwardt in Boie, 1827):
Rắn rào đốm Ảnh: Ngô Văn Trí
Rắn rào đốm có kích thước tương đối nhỏ, chiều dài cơ thể có thể đạt 187cm, được tìm thấy hầu như ở các khu rừng các tỉnh thành trên cả nước, từ Cao Bằng đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Trông loài này khá hung dữ, màu sắc trên lưng là những đốm nâu đen trông hơi giống đồng tiền nhỏ từ sau gáy đến đuôi, trên đầu có hai sọc đen rộng. Đây là màu sắc mô phỏng rất gần giống với loài rắn đồng tiền theo dân gian (rắn này nhỏ, cực độc, vì chưa gặp bao giờ nên chưa biết tên cụ thể là gì), nhưng chúng hoàn toàn vô hại vì không có răng nanh và nọc độc. Bạn có thể gặp loài này trên những lối đi trong rừng vào ban đêm nếu như bạn muốn khám phá thế giới sinh vật về đêm.
Rắn đuôi sọc – Elaphe taeniura (Cope, 1861)
Rắn đuôi sọc nặng từ 2 – 4kg, chiều dài cơ thể có thể hơn 2,5m. Loài này thường có màu xám và nhiều vạch mảnh màu trắng nhạt ở sau nửa lưng, phía đuôi có những sọc nâu đậm trông rất đẹp. Loài này được tìm thấy hầu như trên cả nước từ Cao Bằng đến thành phố Hồ Chí Minh. Thường bắt gặp chúng bắt dơi ở trong hang đá nếu như bạn tham quan các hang núi đá granit, đôi khi cũng gặp chúng trong các lối đi dưới tán rừng vào ban ngày. Trông chúng rất hung dữ, phát tiếng khò khè khi bắt gặp ánh đèn pin ở trong hang, nhưng chúng thật sự là loài rắn hiền lành, nếu bị cắn thì hơi đau một chút vì chúng không có răng nanh và tuyến nọc. Loài này có số lượng rất ít ngoài thiên nhiên, nhưng chưa thấy ghi nhận trong sách Đỏ.
Rắn chằm quặp lửa – Calloselasma rhodostoma (Boie, in Boie, 1827):
Rắn chằm quặp lửa Ảnh: Ngô Văn Trí
Rắn chằm quặp lửa thuộc họ rắn lục – Viperidae, chiều dài có thể đến 100cm. Rắn chằm quặp lửa có đầu có hình tam giác điển hình, thân có màu đỏ hung hay nâu đỏ với những vạch có hình tam giác viền hơi đen có đỉnh nằm trên sống lưng, ở hai bên thân. Loài này có thể tìm thấy rất phổ biến ở miền Đông Nam bộ. Đây quả thực là loài rắn độc, có thể gây chết người nếu như không được điều trị kịp thời. Chúng ta thường gặp chúng trong lớp lá khô dày, hay trong hốc cây dưới tán rừng, thường gặp nhất là sau cơn mưa, chúng thường nằm hay bò ngay qua những lối đi hay đường vào ban đêm. Đối với loài rắn độc này, nếu không có gì liên quan thì nên tránh xa chúng, không cần thiết phải giết chúng vì chúng không bao giờ tấn công con người trừ khi bạn giẫm lên chúng. Khoảng cách chụp ảnh loài rắn này chưa đến một mét mà vẫn người chụp đâu có bị rắn tấn công.
Rắn lục đuôi đỏ – Cryptelytrops albolabris (Gray, 1842):
Rắn lục đuôi đỏ Ảnh: Ngô Văn Trí
Rắn lục đuôi đỏ là một trong những giống loài thuộc họ rắn lục – Viperidae. Rắn lục đuôi đỏ có chiều dài cơ thể khoảng 100cm. Rắn lục đuôi đỏ, giống như tên gọi của chúng, toàn thân có màu xanh lá cây, đuôi đỏ, hai bên hông có 2 sọc mảnh màu vàng trông rất đẹp. Màu sắc này đảm bảo cho rắn lục có thể lẫn tốt với môi trường cây rừng xung quanh để trốn kẻ thù. Là loài rắn hoạt động về đêm, nên ban ngày chúng rất chậm chạp không hề thấy đường cho dù bạn ở rất gần chúng, nhưng chớ có vô tình đạp hay giẫm lên chúng. Nếu giẫm lên chúng, bạn sẽ được thưởng một nhát cắn đau nhức hơn đau đẻ. Tùy theo cơ địa của mỗi người, tùy lúc rắn đã no mồi hay đói, hay tùy thuộc vào mùa mà lượng nọc có ít hay nhiều, lượng nọc độc này có thể gây sưng nhức, vỡ các tĩnh mạch và trụy tim, gây chết người. Bản thân tác giả cũng đã được loài rắn này thưởng cho một nhát cắn ngay ở đầu ngón tay trong lúc bắt và nghiên cứu về chúng. Cũng may mà chú rắn này cắn sau khi đã no mồi nên cánh tay chỉ sưng lên như cây súng, không dám cử động vì đau nhức trong vài ngày.
Rắn lục cườm – Protobothrops mucrosquamatus (Cantor, 1839):
Rắn lục cườm Ảnh: Ngô Văn Trí
Rắn lục cườm thuộc họ rắn lục (Viperidae). Rắn lục cườm có màu nâu, trên thân có nhiều vạch nâu đậm, ngắn vắt ngay qua lưng, cùng với vô số đốm nhỏ dọc hai bên hông. Loài rắn này có kích thước tương đối lớn, cơ thể có thể dài hơn 1,2m. Được tìm thấy có ở Cao Bằng đến tỉnh Gia Lai, chúng thường nằm sâu dưới lớp lá khô có độ ẩm hay trong thân cây gỗ mục. Đặc biệt là sau cơn mưa rào, chúng xuất hiện nhiều hơn. Loài này mà cắn thì rất khó qua khỏi nếu như không được chữa trị kịp thời, tuy nhiên chúng cũng chưa bao giờ chủ động tấn công người. Bằng chứng là tác giả khi đang chụp hình thằn lằn trong đêm thì chúng xuất hiện phía sau chỉ cách có 0,5 m. Khi phát hiện thấy người, chúng liền bò tránh qua một bên. Khi đuổi theo chặn đầu lại chụp hình, vì bị kích động bởi ánh sáng của đèn flash, chúng chỉ rung nhẹ chiếc đuôi chạm vào lá khô kêu lách tách.
Trăn lèn quấn quanh cổ tay với lực rất mạnh, nghe rất nhột. Ảnh: Ngô Văn Trí
Khi bị rắn độc cắn, trước tiên bạn phải băng ca-rô để ngăn chặn lượng nọc di chuyển về tim. Sau 5-10 phút bạn phải di chuyển băng ga rô ra xa chỗ rắn cắn vài cm để tránh chỗ bị cắn hoại tử và liên hệ với đồng bào và người dân địa phương để có thể tìm được người chữa trị kịp thời bằng cách chữa trị truyền thống lưu truyền trong dân gian để duy trì khả năng sống sót trong khi chưa có huyết thanh tại chỗ. Tốt nhất là đến trung tâm y tế gần nhất để có những lời khuyên bổ ích cho điều trị.
NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỘNG VẬT NGÔ VĂN TRÍ

Không có nhận xét nào: