Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Cái đùi gà - Đoản văn- TiPi

Mẹ nuôi bầy gà đông lắm, lần nào cả nhà về ông bà là mẹ lại làm thịt gà "cho chúng mày ăn". Hai đứa sợ sát sinh, không mấy khi đồng ý, nên hễ về thì đùng một cái kéo nhau về để tránh mẹ "làm chuyện đã rồi" là "gà đã luộc xong chờ chúng mày về", chỉ con gái còn nhỏ là hớn hở với thịt gà.
Mấy lần ăn cơm với bố mẹ, em hay nhắc chuyện hồi nhỏ em thường ao ước "con gà có 8 cái chân" (thì mới tới lượt em được "ui cái đằn"). Nghe mà thương.
Về lại nhà, mua đùi gà về làm đùi gà chiên nước mắm cho em và con ăn, mình không thích tại ăn thịt gà thì ngứa mũi. Lúc nào em cũng chia ra bắt ép mình ăn cùng.
Có lần mẹ gửi cho con gà đã làm sạch gửi đứa em mang về, luộc lên, tính đâu em sẽ hí hửng cầm 1 cái đùi gà luộc ăn như em từng ao ước. Em xé 1 đùi đưa con, còn 1 đùi, đứa em út tỉnh bơ chiếm lấy. Em ngồi gặm cái đầu gà. Mình nghe nước mắt chảy trong lòng.
Nhẫn nhịn, chịu đựng từ tấm bé đã quen. Em ơi!

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Người Sài Gòn - Hic, nhớ Sài Gòn quá à!


Người Sài Gòn

SGTT.VN - Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. 
Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán mà bụng vẫn trống không. Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.

Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thi thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ,
ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: Xích lô!

Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: Anh chị đi đâu?

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?

Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.

Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: Em mới chạy xe,
đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm.

Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!

Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.

Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!

Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: "Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá!"

Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí. Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn.

Có người đã phát hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn.

Bài: NHỊ NGUYÊN
Ảnh: HÀ THÀNH

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Nhắc lại thấy đau lòng


Sự lạc hậu được mặc định

Các mức giá trên đây giờ chỉ còn trong “kỷ yếu” của ngành tài chính chứ không còn diễn ra trên thực tế nữa, nhất là con số 300 đồng. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Ninh Thuận mà hầu như địa phương nào cũng có. Nhiều văn bản quy định chi tiêu của ngành tài chính ban hành cách đây đã 10 năm, lúc ấy chai nước ngọt có 2.000, nay đã là 10.000 đồng nhưng có vẻ như những người soạn các văn bản quy định ấy luôn đứng bên lề các cơn bão giá. Mọi người đều biết các quy định đã quá lạc hậu nhưng tất cả các cơ quan hưởng lương và các chế độ chi tiêu từ ngân sách nhà nước đều phải răm rắp tuân thủ, ai “vượt rào” thì bỏ tiền túi ra mà đền nếu kiểm toán phát hiện sai phạm.
Các nhà soạn luật và các văn bản dưới luật bao giờ cũng phải dựa vào cơ sở thực tế của đời sống. Mà đời sống thì luôn biến đổi từng ngày, chẳng bao giờ “đứng yên”, vì vậy, mặc định những điều đã lạc hậu không những gây cản trở cho sự phát triển của xã hội mà còn thể hiện sự vô cảm và thiếu trách nhiệm của người ban hành. Ngay cả hiến pháp, các điều khoản không quá cụ thể như “chi tiêu tài chính” nhưng vẫn phải sửa đổi cho phù hợp với xu thế hiện thời, huống là chuyện “uống nước 300 đồng”.
Biết lạc hậu nhưng vẫn cố níu giữ những điều phi lý ấy, vì sao? Vì người ra văn bản là để cho người khác thực hiện, còn mình thì không quan tâm. Bộ Tài chính đã từng quy định cho cán bộ “cấp trên” khi về cơ sở công tác, tuyệt đối “cấp dưới” không được lo chỗ ngủ vì đã có công tác phí rồi. Thế nhưng, mỗi khi “trên” về công tác, các địa phương “tự hiểu” là phải làm gì. Không chỉ dừng lại ở những bữa tiệc linh đình, mà sau chuyến công tác, còn được “gói” mang về nữa. Tệ hại hơn, nhiều người còn mua hóa đơn phòng ngủ để về thanh toán với cơ quan. Cấp dưới, sau khi tiễn “cấp trên” ra về, kế toán phải lo khâu “chứng từ hợp lệ”, nghĩa là phải quy đổi tiền uống bia ra uống nước khoáng, tiền quà ra một khoản “chi khác” nào đó cho hợp với quy định. Tất cả những trò gian dối ấy, “trên” biết cả, song họ vẫn xem đó như là chuyện đương nhiên. Đố mà cấp dưới nào dám áp dụng ngay như các văn bản quy định do chính “cấp trên” soạn thảo. Màn kịch “lách” quy định này, từ người ra văn bản lẫn người thực hiện đều là những diễn viên chuyên nghiệp cả, chỉ có người dân là những khán giả bị mua vé hớ mà thôi.
Cập nhật những văn bản lạc hậu để phù hợp với thực tế là điều không quá khó khăn nhưng đáng tiếc là, người soạn thảo các văn bản nọ lại đang tự đứng riêng ở một cõi khác.
Trần Đăng

==//==
Hồi mình còn đi dạy, mỗi lần tính "tiền sân bãi" (dành cho GV Thể dục - còn gọi là tiền "đứng nắng", lâu lâu gọi tếu là " tiền đứng đường" ) là mấy anh em cười với nhau, tại từ năm nẳm nào đó tiền đứng nắng 1 tiết được tính là 2300đ = 1/2kg gạo. Đi dạy từ năm 1999, tới năm 2010 vẫn là 2300 đồng/ tiết , lúc đó gạo đã lên 10.000đ/kg nên mình đùa với đồng nghiệp là 2300đ không đủ mua nửa kg cám chứ đừng nói tới gạo. 
Bồi dưỡng HS thi đấu TDTT, hội khỏe Phù Đổng ở trường thì thầy 2000đ/ buổi, trò 1000/ buổi (chỉ đủ uống đúng 1 ly trà đá) và tối đa chỉ được 10 buổi. Hà hà...
Xin lỗi, chịu không nổi!
Nói theo Trần Đăng, lạc hậu còn dài dài nhe mấy cưng!
==//==

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

14.02.2013


Truyện ngắn Tết Quý Tỵ - Tg: Nguyễn Ngọc Tư


Tình máy bay giá rẻ

Tèo hồi nhỏ ít ăn muối iốt, nhưng đi chừng 4 chuyến bay là rút kinh nghiệm được ngay, máy bay có thể trễ vì đổ dầu nửa chừng thì hết dầu (do thằng cung cấp nhiên liệu là người của hãng bay đối thủ, tụi nó hay chơi xấu), hoặc máy bay trên đường về thì gặp bầy chim lạ, phi công khoái quá rượt theo coi, hoặc vì anh tài xế ngồi trong nhà vệ sinh, ấy ấy xong rồi nhưng mải nhắn tin cho bồ mà quên lái xe buýt chở hành khách ra máy bay…
Tóm lại kiểu nào cũng trễ, chưa kể một chị lao công trong tổ làm sạch máy bay xin nghỉ đi ăn thôi nôi thằng cháu, nên tiến độ quét dọn có trễ hơn dự kiến chừng 30 phút. Có hề gì, Tèo là Tèo quen rồi, nên lấy điện thoại ra chơi game, thay vì ngồi đó bực cái mình.
Tèo phẩy tay cho qua cái rột, nghĩ bay giá rẻ mà. Còn hơn đi hãng hàng không Hàng Đầu mà vẫn tức anh ách mỗi khi nghe thông báo xin lỗi trễ 1 tiếng vì máy bay chưa về kịp, hoặc chưa bay được vì phải chờ một em xinh đẹp sau khi làm thủ tục và vô phòng chờ ngồi giũa móng tay đã đời thì phát hiện ra đôi giày không hợp với váy bèn chạy về nhà thay, báo hại mấy trăm con người ta ngồi è ra chờ. Bữa nào Tèo gặp cảnh đó, tức như là ai bóp cổ. Thôi, bay giá rẻ cho lành, bất tiện bao nhiêu cũng có thể đổ lên đầu chữ “rẻ”. Tiền nào của nấy.
Phần nữa, Tèo khoái bay giá rẻ bởi nó gần gũi với cái gốc bần cố nông của mình. Cả mùa hè ngược xuôi bán bưởi, ở phòng chờ cũng như trên máy bay, Tèo không bị tủi thân bởi những ông com-lê cà-vạt kéo cái túi hàng hiệu Cu-xì, Eo-lờ cũng như những chân dài treo váy, mặt tô ngũ sắc, tóc quắn sợi mì, đeo kính râm Mông-bơ-lăn…
Bọn họ không bao giờ lượn lờ chỗ Tèo, sợ mất mặt. Máy bay Tèo đi, bà con ngồi co hai chân như chạy nước lụt, kẹp xỉa giắt tóc, ngồi buồn lần lai áo cũng kiếm được mấy hột lúa cắn cóc cóc chơi. Máy bay giá rẻ chở dân nhà nghèo, mấy anh chị công nhân thì mặt nhăn nhó vì nhịn đi vệ sinh lâu ngày (do chủ xưởng bắt làm vậy, chớ ai mà muốn giữ khư mấy thứ đó trong người). Hành khách toàn dùng bị bàng giỏ đệm, ba-lô Trung Quốc khuyến mãi chất gây ung thư có thể bung dây kéo bất cứ lúc nào.
Có lần, cầu thang dẫn lên máy bay ùn tắc vì bị bàng của chị kia bung đáy, báo hại nội y bay tá lả! lần khác là do hai ông bà cụ đứng dang tay mặt lim dim đón gió y hệt tư thế của tiểu thơ Bông Hồng trong phim Tàu Chìm để… chụp hình. Bữa đó, Tèo kẹp nách gói xôi gà nguội ngắt, hai tay bận xách bưởi nên lên tới chỗ ngồi thì hộp xôi nóng hổi, phát hiện ra nách có thể hâm xôi. Được cái là hôm nào không có vụ ùn tắc do chụp hình, thì xe buýt cũng đậu ì giữa phi trường, không thèm mở cửa cho ra, vì cầu thang dẫn lên máy bay lắp chưa xong, vậy là thức ăn đem theo món nào cũng nóng.
Đi một chuyến lạ lẫm, đi hai chuyến là Tèo bắt khoái luôn máy bay giá rẻ. Tèo ưa quá là ưa những âm thanh của nó, sống động như ở nhà mình vậy. Tụi nhỏ đánh bài tiến lên cãi nhau ỏm tỏi, hay giọng một chị đàn bà rốp rẻng kể chuyện đi bắt ghen, hay tiếng gãi ghẻ sột soạt của thằng cu ngồi cạnh. Tèo ghiền quá là ghiền cái mùi máy bay giá rẻ. Mùi xôi gà, khoai lang nướng rưới mỡ hành, cơm thịt nướng chan nước mắm tỏi ớt. Có bữa cả khoang máy bay no nê mùi sầu riêng. Rằm tháng bảy năm ngoái, Tèo xách hai trái bưởi, bay chuyến 2 giờ rưỡi (tất nhiên là vé nó ghi bay 12 giờ).
Lúc thắt dây an toàn thì má ơi, Trời đất thánh thần thiên địa ơi, Tèo nghe mùi mắm ruốc chói lọi chiếu đến từng tế bào, khiến tóc tai dựng lên trong nỗi thèm thịt chó. Suốt chuyến bay, Tèo cứ mụ mị đi vì mùi mắm thấm đẫm trên bâu áo, trên chân tóc và móng tay, Tèo đảo đi đảo lại suốt trên máy bay, mà vẫn không phát hiện ra được ai mang lên đây cái mùi nồng nàn đó, vì nó bão hòa đến chân tơ kẽ tóc của từng hành khách rồi. May mà khi xuống máy bay, bước vào xe buýt, lần theo cái mùi lãng mạn sắp tan đi mất trong nắng gió phi trường, Tèo phát hiện chủ nhân của nó đang đứng dính bên mình. Một cô nàng trông thật diễm tình với vòng vàng xủng xẻng. Lúc cô nhoẻn cười Tèo còn phát hiện ra chút mắm còn giắt răng. Tèo nghe như sét đánh cái rầm.
Bầu, tên cô gái đó giờ là vợ của Tèo, người đang chờ đón chồng sau chuyến bay (luôn luôn) bão táp. Yêu nhau rồi mới biết vàng kia của Bầu toàn vàng sịa. Mất việc ở Sì thành, Bầu trở về quê, dỡ cơm trắng ra hộp, chiên mấy miếng đậu hủ, rưới mắm tôm lên để dành ăn lúc đi đường. Báo hại cả máy bay nhỏ dãi nhớ thương cầy 7 món, cô tiếp viên chắc nhịn không nổi, nên trong những thông báo phát trên máy bay, Tèo nghe giọng cô ướt chèm nhẹp. Bầu ngỏn ngoẻn cười, Trời, em mà biết vậy là đã không ăn món có mắm tôm, chỉ mắm ruốc thôi cho bà con đỡ khổ!
Tèo yêu cái nết thiệt thà của Bầu, và càng yêu càng thấy cảm tình với máy bay Việt mến yêu. Công chuyện của Tèo là bán bưởi, loại bưởi từ khi còn bằng trái chanh đã được chích vào một ít chất Taratanda y chang hơn ma túy, nó nằm nguyên trong đó, rồi bưởi lớn lên Tèo hái đi bán cho huynh đệ Hải Thành xẻ ra lấy cái lỏi để phê tê mê. Vì vậy mà đi máy bay như cơm bữa, xem máy bay là nhà, và chuyện trễ tràng, hoãn chuyến như cơm phải có nước mắm ăn kèm. Tả như ông cậu kiêm nhạc sĩ, kiêm bác sĩ chích chó của Tèo, người có lần bay chung một chuyến và suýt mở cửa phụ máy bay để cho mát, ông bảo ngồi ở đây tao nghe thấm đẫm mùi đồng bãi quê mình. Hành khách thì chân tình, còn tiếp viên nói đớt.
Chuyến bay hôm đó, hãng còn khuyến mãi thêm 30 phút bay xà quần trên trời chẳng biết vì lý do gì, chỉ nghe tiếp viên nói có hoạt động quân sự nên phải bay lòng vòng né, không thì nổ tung tóe. Nói vậy thì nghe vậy, Tèo vẫn nghi là ở đường băng người ta đang sửa ổ voi nên chưa xuống được, hoặc có đàn bò đang sưởi nắng, hoặc có thằng cha nào cởi truồng nằm đó phản đối vì sân bay lấy đất của ổng mà bồi thường không thỏa đáng. Tèo thấy hơi lo trong khi bà con ngồi quanh Tèo cứ rú lên sung sướng vì được bay lâu mà hong phải mất thêm tiền.
Thời buổi kinh tế khó khăn, cứ chắt mót được chút nào sướng chút ấy. Cũng may bữa đó máy bay xuống đất được, về tới nhà, rúc rích Bầu xong, Tèo phát hiện ra chuyện nàng tắm sạch sẽ trước giờ gặp mình, có khi không hay bằng cứ để nguyên mùi vị tự nhiên của cơ thể. Mặc dù Bầu phụng phịu em tắm rồi, nhưng tại máy bay xuống trễ xa dự kiến (đã có trừ hao) quá...
Thì có sao đâu, Bầu? Tèo vẫn yêu nàng như tình yêu với máy bay giá rẻ, với những bạn đường hồn nhiên cứ lo là máy bay không ghé dọc đường thì ấy ấy ở đâu, như yêu cái mùi thức ăn quyện vào nhau khăn khẳn cũng như những cô tiếp viên đớt đát. Yêu lắm cơ!

NGUYỄN NGỌC TƯ