Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Của để dành - Ca sĩ Lan Ngọc


Đến thăm gia đình ca sĩ Lan Ngọc vào ngày cuối tuần, gặp lúc anh chị đang cùng nhau vào bếp. Chị Ngọc cười: "Trong nhà mình, việc gì 2 vợ chồng cũng cùng làm. Có hôm người giúp việc về quê, 2 ông bà già lại cùng nhau lau nhà, nấu cơm đấy".
Chính nhờ sự "cùng nhau" giản dị ấy mà đã gần 40 năm, hạnh phúc vẫn ngập tràn trong ngôi nhà ấm áp.
Tình yêu đến tự lúc nào chẳng rõ...
Không lãng mạn, cũng chẳng phải tiếng sét, tình yêu đến với họ thật tự nhiên. Những năm 1970, Lan Ngọc là ca sĩ có tiếng, lại trẻ trung, xinh đẹp nên bao người theo đuổi. Nhưng chưa một ai làm trái tim cô ca sĩ kiêu kỳ kia rung động.
Anh Tâm là bạn của anh trai Lan Ngọc, anh thường xuyên đến nhà chị, lại là bác sĩ thế nên đại gia đình chị mười mấy thành viên, mỗi khi có ai đau bệnh, một tay anh săn sóc. Chị Ngọc bảo: "Lâu dần, bố mẹ và mấy đứa em mình đều xem anh ấy như người ruột thịt".
Nhớ lại những ngày ấy, anh Tâm cười mãi: "Hồi ấy, lòng mình "tình trong như đã" rồi nhưng chẳng dám ngỏ lời, còn Ngọc thì vô tư phát sợ".
Vô tư đến mấy, rồi chị cũng dần cảm nhận được sự chăm sóc đặc biệt của anh dành cho mình. Khi thì một liều thuốc cảm sau đêm đi hát gặp mưa, lúc cuốn sách, hay một đĩa hát chị tìm kiếm từ lâu... Thế rồi, cũng đến một ngày chị bắt đầu cảm giác như thiếu thiếu điều gì khi không thấy bóng dáng quen thuộc, giọng nói và tiếng cười ấm áp của anh.
Họ chẳng còn nhớ lời yêu đầu dịu ngọt như thế nào. Tình yêu đến êm đềm như những bản tình ca chị hát, như vòng xe nhịp nhàng anh đưa đón chị mỗi đêm. Năm 1972, họ thành đôi trong niềm vui của 2 gia đình.
Bù đắp và hy sinh cho nhau để giữ gìn mái ấm
Những năm đầu sau giải phóng, có thời gian chị không đi hát, anh lại chưa có việc làm ổn định. Nhiều năm sau ngày cưới nhà vẫn thiếu tiếng khóc trẻ thơ. Chị bảo lúc ấy buồn đến không chịu nổi. Cũng may anh luôn an ủi, động viên chị hy vọng...
Rồi hạnh phúc đơm hoa. Năm 1982, chị sinh bé Bảo Trang, anh cũng mở phòng mạch. Kinh tế gia đình ngày một vững vàng. Chung sống gần nửa đời người, ít khi nào anh chị to tiếng, nặng lời với nhau. Nói về hạnh phúc đang có, chị bảo: "Ông bà mình nói nào có sai: Chồng giận thì vợ bớt lời... giữ được hòa khí trong gia đình là do vợ chồng mình tôn trọng, bù đắp và hy sinh cho nhau".
Chẳng hạn, chị tự nhận khả năng nội trợ "dưới trung bình" còn anh lại nấu ăn rất khéo. Chị nóng tính, anh trầm tính nhự nhàng. Chị lý trí bao nhiêu, anh đa cảm bấy nhiêu.
Yêu nhau không cần phải nói thành lời
Nói về chị, anh không giấu vẻ tự hào: "Ngọc là người sống mẫu mực. Đi hát xong là về với chồng con, ít khi nào tham gia những cuộc vui bên ngoài. Cô ấy là ca sĩ, lại xinh đẹp nhưng mình chẳng có cớ gì để ghen tuông cả".
Yêu vợ, hiểu và tôn trọng vợ anh cố gắng vun vén để trở thành trụ cột kinh tế gia đình, cho chị yên tâm thỏa lòng với niềm đam mê của mình.
Bảo Trang, con gái anh chị, đang du học ở Mỹ. Trang xinh đẹp, hát hay như mẹ, học giỏi và theo nghề y của bố.
Ngoài niềm vui con trưởng thành, anh chị tìm thấy hạnh phúc trong công việc, trong sự sẻ chia và chăm sóc lẫn nhau. Bao nhiêu năm, anh vẫn sớm hôm đưa đón chị đi hát, vẫn mày mò lên mạng sưu tầm những bài hát và đĩa nhạc cho chị. Và trong mắt anh, "ca sĩ vợ" là ngôi sao duy nhất.
Còn chị, giọng hát vẫn nồng nàn, ấm áp và khỏe khoắn như xưa. Hỏi bí quyết, chị nhìn anh âu yếm: "Đó là nhờ luôn được ông bác sĩ tư gia này chăm sóc hoàn toàn miễn phí".

===//===

Ca sĩ phòng trà: Lan Ngọc - Hát suốt 40 năm và hơn nữa...

Ca sĩ Lan Ngọc - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với lớp ca sĩ hiện tại trong nước thì Lan Ngọc xứng đáng là một người chị gương mẫu “sống chết với nghề”. Giọng hát vượt thời gian của người đàn bà tuổi Mậu Tý này luôn cháy lửa đam mê.

Chị sinh ra trong một gia đình công chức có ông bố thích sưu tầm, chép lại những bài hát bất hủ như Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Buồn tàn thu (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)... Người mẹ dù không hề biết một nốt nhạc nào, chỉ nghe qua radio và hát theo nhưng chừng ấy cũng đủ thẩm thấu vào tâm hồn cô con gái rượu. Ngay từ thuở nhỏ, Lan Ngọc đã rất thích ca hát và là cây văn nghệ nòng cốt của nhà trường, rồi là ca sĩ chính của Hội Khiếm thị chuyên đi hát gây quỹ từ thiện. Ông bố thấy con gái mê hát quá bèn “ký gửi” cho cặp nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu kèm cặp. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát đã đưa Lan Ngọc vào Đài phát thanh Pháp Á ghi âm bài hát đầu tiên vào năm 1967, bước khởi nghiệp chính thức để trở thành ca sĩ, đó là ca khúc Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong)...
Kể từ đó, Lan Ngọc là ca sĩ “nhí” nhất so với lứa đàn chị Mai Hương, Mai Hân, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Kim Tước, Châu Hà... Cô luôn có mặt trong các chương trình ca nhạc Tiếng Thời Gian (của Mạnh Phát), Tiếng Tơ Đồng (của Văn Phụng - Hoàng Trọng), Tiếng Thùy Dương (của Châu Kỳ)... Lan Ngọc còn được nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả Mưa rừng, Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca, Thuở đó có em... - NV) hướng dẫn nên ngày càng thăng tiến trong lĩnh vực ca nhạc. Trong rất nhiều dòng nhạc ở miền Nam dạo đó, Lan Ngọc chọn thể hiện những ca khúc tiền chiến của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác, Phạm Duy..., đôi khi chị cũng hát những ca khúc điệu Boston của Y Vân. Dạo ấy, Lan Ngọc thường hát ở các phòng trà Vân Cảnh, Queen Bee, Maxim, Đêm Màu Hồng... Nổi tiếng rồi nhưng mỗi đêm không bố thì mẹ vẫn thay nhau đưa đón, cho đến một ngày họ “nhượng quyền” đưa đón con gái mình cho một thanh niên có được sự tín nhiệm, đó là chàng bác sĩ - bạn của anh trai Lan Ngọc.
Kỷ niệm không bao giờ quên trong đời ca hát của Lan Ngọc là dạo cô mới ở tuổi đôi mươi, hát ở phòng trà La Sirène. Trong số khán giả có một cặp vợ chồng lớn hơn cô khoảng chục tuổi, dắt theo đứa con gái chừng lên 5. Họ hầu như song hành với cô mỗi đêm, thường ngồi ở hàng ghế đầu và luôn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly của Dzoãn Mẫn. Trong thâm tâm, Lan Ngọc rất biết ơn và coi họ như những người bạn tri âm. Bẵng đi một thời gian không thấy họ lui tới. Sau đó, chỉ còn người đàn ông đeo chiếc băng tang dắt con gái tới. Vẫn ngồi vào chiếc bàn đó, vẫn gọi một ly nước cho chiếc ghế trống bên cạnh và vẫn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly... Đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mỗi lần cất tiếng hát “Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly sóng trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng...”, Lan Ngọc lại nghẹn ngào nhớ đến người xưa, cảnh cũ...
Có một điều là với Lan Ngọc, ca hát là cái nghiệp, là máu thịt nên không thể dứt ra được. Hiện nay, chị vẫn hát thường xuyên ở nhà hàng ca nhạc Ân Nam, Q.3, TP.HCM, cuối tuần thì chị hát ở Quán Trịnh trên đường Âu Cơ, Q.11.  Chị còn là hội viên của Hội quán Hội Ngộ (khu du lịch Bình Quới I) nên mỗi dịp có chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chị luôn là ca sĩ đứng đầu danh sách biểu diễn. Đặc biệt, Lan Ngọc không hề từ khước một lời mời hát từ thiện nào. Ngoài danh mục nhạc tiền chiến, Lan Ngọc còn thể hiện rất thành công những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và hẳn nhiều người còn nhớ chị từng gây ấn tượng với 2 bản nhạc của nhạc sĩ quá cố Giáp Văn Thạch: Quê hương (thơ Đỗ Trung Quân), Cánh hoa dầu...
Mặc dù cuộc sống hiện tại của chị rất sung túc, là chủ nhà hàng ca nhạc Ân Nam (góc Trương Định - Võ Thị Sáu, TP.HCM), có một căn nhà mặt tiền ở Q.5, và đã hơn 40 năm theo nghề, nhưng chị vẫn đi hát, bởi vì “trời còn cho mình hát được thì cứ hát”. Chị tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của đời tôi là tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ. Trong tôi vẫn cháy bỏng niềm đam mê ca hát và vẫn hát được những ca khúc mà mình từng thể hiện thành công thuở thanh xuân. Tôi nghĩ đó cũng là điều mơ ước của hầu hết những ai theo nghề ca sĩ, và tôi mãn nguyện về điều này”.
Điều chị muốn gửi gắm đến thế hệ ca sĩ đàn em là phải có niềm đam mê, yêu nghề và nhất là phải tôn trọng khán giả. “Bây giờ tôi thấy nhiều em khi biểu diễn có thái độ rất hời hợt, có người còn hát nhép. Thời chúng tôi, ngoài giọng hát thiên phú còn phải luôn trau dồi, học hỏi, hát làm sao để truyền tải được ý đồ của tác giả đến người nghe... Ca sĩ bây giờ được sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nhiều quá nên phần nào có sự ỷ lại, không nỗ lực như lớp chúng tôi ngày xưa...”.
Hà Đình Nguyên

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Tìm hiểu về Tứ vô lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)



Ðức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “tứ vô lượng tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc v.v… thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc. 

Đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Phương châm tu tập của Phật Giáo là từ, bi, hỷ, xả. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật. Trong quá trình truyền giáo, Đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh hay đổ máu, thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Đức Phật tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập giáo đoàn. Bốn món tâm rộng lớn không lường được nói trên nếu của Phật và các vị Bồ tát thời được xưng là “Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả”.

Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác.
Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt.
Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới.
Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị.

Đức Phật dạy người Phật tử phải tu tập tứ vô lượng tâm. vậy chúng ta thử tìm hiểu kỹ xem vì sao Đức Phật lại khuyên chúng ta nên làm việc này?...

TÂM TỪ 

“Từ” là lòng lành giúp ích cho người, lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sinh. “Tâm từ” là cái gì làm cho lòng êm dịu, là lòng mong ước cho tất cả chúng sinh đều được an lành vui vẻ. Tâm từ là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc. Ngược lại với tâm từ là lòng “sân hận”.

Tâm từ không phải là sự yêu thương thiên về xác thịt, về tình dục, cũng không phải là lòng trìu mến vị kỷ, lòng luyến ái đối với người nào. Tâm từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không dành riêng cho tình đồng chí, không dành riêng cho tình đồng chủng, cũng không dành riêng cho tình đồng hương hay đồng đạo. Hơn nữa tâm từ không phải chỉ nên có giữa người và người mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, bởi vì, loài cầm thú cũng cần đến sự giúp đỡ và tình thương.

Nói tóm lại, tâm từ bao la, rộng rãi, trải ra đồng đều đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, dù không quen biết, dù có ác cảm với mình. Người thực hiện từ tâm đến mức độ cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là “ta” không còn nữa. Mọi sự chia rẽ đều biến mất như đám sương mù tan trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

Khi tâm từ xuất hiện thì lòng sân hận, ác ý, thù oán không thể phát sinh. Đức Phật dạy chỉ có tâm từ mới dập tắt được lòng sân. Không những dập tắt được lòng sân, tâm từ còn diệt được các mầm tư tưởng bất thiện. Nhìn thái độ của loài người đối với hận thù, Ðức Phật đưa ra nhận xét là tình thương sẽ chinh phục được lòng sân hận. Ðể giảng hòa một cuộc tranh chấp giữa hai tiểu bang đang giành nhau nước dưới con sông làm ranh giới, Ðức Phật dạy:

(Pháp Cú 197)
Ở ngay giữa đám nhân sinh
Dù người hờn oán, nếu mình thảnh thơi
Sống không thù hận cùng người
Thật là sung sướng, cuộc đời thơm hương. 


Nhưng có lòng từ ái đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Lúc Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, các đệ tử từ bốn phương xa gần tấp nập về đảnh lễ Ngài. Chỉ có một thầy Tỳ kheo, thay vì làm như các vị khác, lại rút về tịnh thất chuyên cần hành thiền. Khi được hỏi về thái độ ấy, thầy trả lời vì trong ba tháng nữa Đức Phật sẽ nhập diệt nên thầy nghĩ rằng để tỏ lòng quý trọng Ngài, việc làm tốt đẹp nhất là thành tựu đạo quả A La Hán lúc Ngài còn tại tiền. Ðức Phật ngợi khen thầy và nhấn mạnh là “Không nên vì mục tiêu của người khác mà lãng quên mục tiêu, sự an lành của chính mình. Hãy nhận định rõ ràng mục tiêu của mình và lập tâm thành đạt mục tiêu ấy”:

(Pháp Cú 166)
Chớ vì lợi ích cho người
Mà quên lợi ích cho nơi chính mình
Mục tiêu giải thoát tử sinh
Ai lo lợi ích cho mình chớ quên
Quyết tâm đạt được cho bền. 


Không nên hiểu lầm là Đức Phật dạy ta nên ích kỷ, chớ có phục vụ kẻ khác một cách vị tha, bất cầu lợi. Trái lại Đức Phật chỉ nhấn mạnh rằng trong khi phục vụ lợi ích cho người cũng đừng quên mục tiêu tự giải thoát cho chính mình. Mình có giác ngộ và giải thoát rồi sau đó đi giúp kẻ khác mới hữu hiệu được hơn.

TÂM BI 

“Bi” là lòng thương xót cứu khổ, thương dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh. Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tính của “tâm bi” là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ.

Tâm bi là vị thuốc có thể tiêu trừ bệnh hung bạo. Lòng của người có tâm bi thật là mềm dịu. Lắm khi người có tâm bi không ngần ngại hy sinh đến cả tính mạng. Chính do nơi tâm bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ kẻ khác, giúp mà không bao giờ mong đền ơn, đáp nghĩa.

Đối tượng của tâm bi là những kẻ nghèo đói, túng thiếu, đau ốm, cô đơn dốt nát, hư hèn và cả những người có đời sống buông lung, phóng đãng tội lỗi. Tâm bi phải bao trùm tất cả chúng sinh đau khổ, rất bao la và bình đẳng. Như Đức Phật xưa kia đã từng tế độ cho một người phụ nữ lạc bước giang hồ và cho cả một tên sát nhân tàn ác, toan hại Ngài. Về sau, cả hai đều theo Ngài và hoàn toàn đổi tính. Bên trong mỗi người, dù xấu xa thế nào cũng ngầm có những tính tốt. Đôi khi chỉ có lời nói phải, đúng lúc, cũng có thể làm đổi hẳn con người. Như vua A Dục ngày xưa, tàn bạo đến nỗi, người đời bấy giờ gọi là “A Dục, con người tội lỗi”. Thế mà, khi nghe được lời nói phải của một thầy Sa di trẻ tuổi, ông đổi hẳn lại tính tình, mạnh tiến trên con đường tự giác và trở thành “A Dục, con người hiền đức”. Ta nên nhận định rằng, tâm bi của Phật giáo không phải là giọt nước mắt nhỏ suông gọi là thương xót. Kẻ thù gián tiếp của tâm bi là “âu sầu, phiền não”.

Tâm từ và tâm bi thường đi chung với nhau. Trước hết phải dùng tâm bi để trừ giùm đau khổ cho chúng sinh, rồi kế đó dung tâm từ mà cho họ niềm vui. Như thế, cái vui mới được hoàn toàn. Vậy “bi” là nhân mà “từ” là quả. Người sống có tâm từ bi, có tình thương thì mọi hận thù trên thế gian này sẽ tiêu tan.

Một người có hai bà vợ. Một bà có con và một bà không. Bà không con đem lòng ganh tị, trộn thuốc độc vào thức ăn của bà kia, hại bà kia hai lần hư thai. Ðến lần thứ ba, thuốc độc làm cho bà kia đang có mang cùng chết với đứa bé. Bà kia khởi tâm cương quyết báo oán và thực hành ý định. Bà không con bị trả thù, cũng quyết tâm trả thù lại. Thù oán trả qua trả lại, hết bà này đến bà kia, qua lại trong hai kiếp sống liên tục. Tuy nhiên, đến kiếp tái sinh thứ ba, cơ hội đưa đẩy hai bà cùng đến gặp Ðức Phật và sau đó nhờ Ngài khuyên giải mà hận thù được chấm dứt:

(Pháp Cú 5)
Khắp nơi trong cõi dương gian
Hận thù đâu thể xua tan hận thù
Chỉ tình thương với tâm từ
Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm
Đó là định luật ngàn năm.


Cô hầu nhỏ của một ông chồng nọ bất chợt đem lòng ganh tị bà vợ lớn. Một lần cô đem đổ bơ nóng lên đầu bà nhưng bà không giận mà còn giải lòng từ bi đến cô, nguyện rằng mình không sân hận, khiến cho bơ nguội lạnh, bà không bị phỏng. Về sau, cô hầu nhỏ ăn năn hối hận và xin sám hối. Bà bảo cô phải lên xin sám hối với Ðức Phật trước bà mới bằng lòng quên lỗi. Cô làm theo lời bà và được Ðức Phật khuyên rằng “Hãy lấy tình thương mà chế ngự tâm sân, lấy chân thật khắc phục giả dối”:

(Pháp Cú 223)
Lấy từ bi, lấy ôn hòa
Thắng cơn nóng giận bùng ra thét gầm
Lấy hiền lành, lấy thiện tâm
Thắng lòng hung ác bất nhân khó lường
Lấy tâm bố thí cúng dường
Thắng hàng keo kiệt, thắng phường tham lam
Lấy chân thật để đập tan
Những trò hư ngụy, dối gian ở đời.


TÂM HỶ

“Hỷ” là lòng vui, tự mình vui và mừng giùm cho người được điều thiện. Hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ: vui theo, cùng vui với người khác. Phản nghĩa của hỷ là “ưu phiền”. Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải là cảm tình riêng đối với một người nào. Hỷ là lòng cùng vui thích với người khác khi họ có hạnh phúc hay họ được thành công, nhất là khi sự thành công ấy tiến về nẻo thiện, hướng đến mục đích giải thoát.

Lòng “ganh tị” là kẻ thù trực tiếp của hỷ. Nhiều người lấy làm bực tức khi thấy người khác thành công hay vui khi thấy người khác thất bại. Chính tâm hỷ làm tiêu tan lòng ganh tị đó.

Người có tâm hỷ sẽ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại cho mình hơn cả người khác. Nếu so sánh với tâm từ và tâm bi, tâm hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn có tâm hỷ, phải có ý chí mạnh mẽ và hết sức cố gắng. Để tạo sự an vui, hạnh phúc trong đời sống cá nhân cũng như tập thể và vươn mình lên sống đời trong sạch, cao thượng, người Phật tử nên thực hành tâm hỷ.

Một Sa di, con của người gác cửa, nói xấu về tâm bố thí của tất cả các thiện tín đến chùa, từ đại thí chủ như ông Cấp Cô Độc đến vua Ba Tư Nặc, ngoại trừ những người có họ hàng với chú. Đề cập đến bà con mình thời chú nói: “Ô! Nhà của bà con tôi cung cấp đầy đủ cho các Sa môn tứ phương!”. Vài vị Sư khác muốn tìm hiểu, điều tra và khám phá ra sự thật. Khi các vị này bạch lại vớí Đức Phật về tác phong thấp hèn của chú Sa di, Đức Phật dạy “Người nào đem lòng khen chê, bất mãn và đố kỵ về những phẩm vật bố thí thì tâm người ấy chưa được an tịnh. Người bỏ được tính đố kỵ, ganh ghét và không so đo hơn thua thì tâm lúc nào cũng an tịnh”:

(Pháp Cú 249)
Do lòng tin, bởi niềm vui
Người người bố thí, nơi nơi cúng dường
Kẻ mà tâm xấu buông lung
Thấy ai được hưởng, trong lòng ghét ganh
Ngày đêm sẽ mãi quẩn quanh
Không hề an tịnh tâm mình được lâu.


(Pháp Cú 250)
Chỉ riêng người hiểu pháp mầu
Nên lòng ganh ghét trước sau diệt trừ
Ngày đêm hương đạo thơm đưa
Cõi lòng an tịnh, tâm tư thanh nhàn.


TÂM XẢ

“Xả” là lòng buông xả ra mọi vật của mình cho tất cả chúng sinh không phân biệt kẻ oán người thân. Xả là bố thí, bỏ đi, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Xả là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính, suy luận vô tư, tức là không ghét bỏ cũng không luyến ái; không ưa thích cũng không bất mãn. Phản nghĩa của “tâm xả” là “cố chấp”.

Người cao thượng luôn giữ tâm bình thản trước sự khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa. Giữa cuộc thăng trầm của thế gian đó, Đức Phật dạy ta nên luôn bình thản, hành tâm xả, vững chắc như tảng đá sừng sững giữa trời, vững như voi, như mãnh hổ. Ví như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vướng trong lưới, tuy sống giữa chợ người mà ta không luyến ái những lạc thú hão huyền và vô thường của cuộc đời. Như hoa sen từ bùn nhơ nước đục vươn lên, chúng ta cũng vượt lên bao nhiêu quyến rũ của thế gian để sống trong sạch, tinh khiết, luôn luôn bình tĩnh và an vui.

Kẻ thù trực tiếp của xả là “luyến ái” và kẻ thù gián tiếp của tâm xả là sự “lãnh đạm”. Tâm xả lánh xa lòng tham ái và trạng thái bất mãn. Thái độ vô tư, thản nhiên, an tịnh là đặc tính quan trọng của tâm xả. Người có tâm xả không thích thú trong vui sướng cũng không bực tức trong phiền não. Người có tâm xả đối xử đồng đều giữa kẻ tội lỗi và bậc thánh nhân. Đức Phật luôn khen ngợi, khuyến khích hàng đệ tử thực hành tâm xả.

Xả có bốn thứ. Nếu đem cho người ta đồ vật, của cải thời gọi là “tài xả”. Nếu đem giáo pháp, giáo lý cho người thời gọi là “pháp xả”. Nếu đem đức không sợ hãi cho người thời gọi là “vô uý xả”. Còn tự mình xả bỏ tất cả các mối phiền não thời gọi là “phiền não xả”.

Một Tỳ kheo có thói xấu hay moi móc lỗi lầm của người khác để chê bai. Đức Phật dạy “Nếu có ai nói rõ lỗi lầm của người khác và chỉ dạy cho họ cách sửa chữa lại thì đó chẳng phải là một hành động xấu ác đáng chê trách. Trái lại nếu có kẻ nào luôn luôn chỉ trích chỗ sai lầm của người khác với ý định hiểm độc để nói xấu thời những người như thế không bao giờ đạt được giác ngộ mà chỉ có sự ô nhiễm tăng trưởng trong họ mà thôi”:

(Pháp Cú 253)
Nếu ta thấy được lỗi người
Tâm ta nóng giận tức thời dễ sinh
Tăng thêm phiền não thật nhanh,
Xa lìa an tịnh, quẩn quanh muộn sầu,
Lỗi người chẳng để tâm lâu
Còn chi sầu muộn, còn đâu não phiền.


Vài thầy Sa di không biết nên theo phá khuấy một vị A La Hán khả kính vì thân hình ngài nhỏ bé thấp lùn. Khi được biết vị thánh tăng tính tình hiền hòa, chẳng hề tức giận, vẻ mặt luôn bình thản, không chút xao động, Ðức Phật dạy rằng chư vị A La Hán giữ mình luôn luôn bình thản trước những lời tán dương hay khiển trách:

(Pháp Cú 81)
Gió nào lay núi đá cao
Và người trí lớn khác nào núi kia
Tiếng đời trần tục khen chê
Tán dương, phỉ báng, dễ gì động tâm.


Theo lời mời của một vị Bà La Môn, Ðức Phật và các môn đệ Ngài đến an cư kiết hạ tại làng của ông ta. Nhưng Đức Phật và các Tỳ kheo lắm lúc bị bỏ lửng, không được chăm sóc đến, vì vị thí chủ này lãng quên, hơn nữa dân làng địa phương lúc đó đang bị nạn đói kém trầm trọng. Đức Phật và các Tỳ kheo trong thời gian đó phải dùng lúa cho ngựa ăn được cúng dường bởi các người buôn ngựa, nhưng không có ai vì đó mà buồn ý, vẫn tinh tấn tu tập. Ðến khi trở về tịnh xá Kỳ Viên các ngài được cung cấp thực phẩm chu đáo nhưng cũng không vì đó mà tỏ ra thỏa thích quá độ. Ðức Phật lưu ý rằng người thiện trí vượt lên trên mọi xúc động thường tình, không bao giờ bồng bột, cũng không bao giờ để tinh thần suy sụp, luôn bình tĩnh trước mọi việc xảy ra:

(Pháp Cú 83)
Người lành thường mãi lìa xa
Mọi điều dục lạc bỏ qua chẳng bàn,
Người hiền trí gặp vui buồn
Dù đầy hạnh phúc, hay tràn khổ đau
Không hề dao động trước sau
Tinh thần luôn vững, há nào mừng lo.


Một bà tín nữ có ý muốn thỉnh năm vị Tỳ kheo lão thành về nhà trai tăng. Nhưng tịnh xá lại cử đi năm vị Sa di trẻ tuổi đến nhà bà thọ thực. Bà thí chủ chỉ muốn thỉnh những vị Tỳ kheo nên bà không vui, tỏ vẻ không tôn kính và không dâng cúng vật thực đúng thời khiến các vị Sa di bị đói khát. Về sau bà mới nhận ra phẩm hạnh của các vị Sa di, mặc dầu không được tiếp đãi nồng hậu, vẫn không hề tỏ ra bất mãn. Khi nghe thuật lại câu chuyện, Ðức Phật dạy:

(Pháp Cú 406)
Tỏ ra thân thiết chân tình
Giữa người thù nghịch quanh mình gần xa,
Tỏ ra thiện chí ôn hòa
Với người tính khí thật là hung hăng,
Không còn luyến ái vương mang
Bên người cố chấp buộc ràng vây quanh,
Bà La Môn thật xứng danh.


Một ông vua lấy làm thất vọng và âu sầu vì đã bị bại trận ba lần. Ông không thắng nổi kẻ địch là người cháu gọi mình bằng cậu. Người cháu đó là vua A Xà Thế. Ông vua bại trận bỏ cả ăn uống, cứ nằm dài mãi trên giường. Ðức Phật luận về hậu quả không hay của cả người thắng lẫn kẻ bại, dạy rằng muốn an vui, chớ ham tranh thắng bại. “Kẻ chiến thắng gây thêm thù hận. Còn người thất trận phải chịu khổ đau ảo não”. Sống an hòa là thái độ tốt nhất:

(Pháp Cú 201)
Khi mà thắng lợi vẻ vang
Sinh ra thù oán ngập tràn. Nguy thay!
Khi mà thất bại chua cay
Sinh ra đau khổ chất đầy tâm can!
Chi bằng thắng bại chẳng màng
Cuộc đời tịnh lạc, bình an vô cùng.


Hỷ và xả là hai hạnh lành, có tương quan mật thiết, làm nhân làm quả cho nhau. Xả làm nhân cho hỷ, nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải đừng chấp, phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người khác đã làm cho ta.

Trong các truyện về “Tiền thân Đức Phật” ta thấy Ngài từng xả bỏ thân mạng mà cứu giúp chúng sinh. Khi được làm Bồ Tát trên cung trời Đâu Suất, Ngài xả bỏ các sự vui sướng nơi thiên cung mà giáng sinh cứu thế. Trước kia khi còn là một hoàng tử sắp lên ngôi vua, Ngài xả bỏ tất cả đền đài cung điện, châu báu ngọc ngà, vợ đẹp con khôn, quyền cao chức trọng để mà một thân một mình ra đi tu hành khắc khổ.

Người tu hành phải tập xả dần, xả tất cả. Con tằm sở dĩ thành bướm bay lượn đó đây, vì nó đã rời bỏ cái kén, dù đó là một cái kén bằng tơ vàng óng ánh, ấm áp, đẹp đẽ mịn màng vô cùng. Nhưng xả mà còn buồn rầu tiếc nuối cho cái mà mình đã bỏ đi thì xả như thế không có ích gì. Xả phải đi đôi với hỷ. Phải xả với vẻ mặt hân hoan, vui mừng như người tù khi tháo gỡ xiềng xích. 

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Xao động

Sóng lao xao gợn mặt hồ yên ả
Ta ngồi nhìn người tất tả đi qua
Kẻ lạ, người xa
Lòng chợt nhói một bóng hình quen lạ.

Lại mỉm cười thói thường tật xấu
Lối phong lưu quen tính vẫy vùng
Ai đang cùng chăn gối đắp chung?
Ai nâng niu ta từng đêm ngon giấc?

Lắc đầu, vói tay xua bóng tối
Chẳng qua là chút men say
Lặng nhìn từng ngón tay
Còn đây chiếc Nhẫn của ngày yêu em.




Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Vụ án gay cấn, có một không hai trong lịch sử!

Ở đời, xin không cho thì trộm, trộm bị bắt quả tang thì nâng tầm lên cướp nhưng chuyện "kẻ cướp" với chủ nhà dưới đây thì có một không hai.
Giữa trưa, "trộm" thò tay "vặt quả", chủ nhà "e hèm", trộm rụt tay lại, giấu mặt. Chủ nhà hỏi:
- Làm gì đấy? Định ăn trộm hở?
- Dạ, thì trộm!
- Sao phải trộm?
- Dạ tại xin thì không cho nên phải trộm?
-Vậy sao không trộm tiếp?
- Dạ, tại bắt quả tang, còn chút sĩ diện nên thôi, không dám trộm nữa! Lại phải rào cây lại.
- Người ta bắt quả tang thôi, ai bảo rào cây?
- Dạ, vậy là để đó. Nhưng mà giờ xin không cho, trộm thì bị bắt quả tang, nhưng mà thèm, giờ cướp luôn được không?
- Bác nói bác nhớ nha!
Hậu quả là "chủ nhà" đi làm trễ mất 20 phút. Đứa "xin- trộm- cướp" nằm cười ngó "chủ nhà" thay đồ. Chừng "chủ nhà" đi làm, đứa "xin - trộm -cướp" soạn mắt kính, dây sạc và dắt xe cho chủ nhà đi làm!


Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Chùm truyện ngắn như ...váy!

1. Tình lập trình
Cháu gái nhà thằng Mùi vừa đen, vừa mập, vừa lùn và sắc đẹp chắc ngang ngửa với Thị Nở, đang chừng 16 cái xuân xanh. Vậy mà bữa đi ngang, thấy có thằng trai đang tán tỉnh nó. Lắc đầu thở dài một mình, chỉ tại thằng Mùi mới mua thêm căn nhà 1,4 tỷ, mặt tiền.
(To be continue...)

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Bến cũ đò xưa - ST: Phan Ni Tấn - CS: Phi Nhung


Trôi trên dòng sông đời, ôi chiếc bóng tôi đơn côi
Vùng tay tôi để con đò khác đưa
Đưa sáo qua sông rộng theo người về xuôi.

Thương cây cầu tre làng, thương cây vá trôi theo tôi
Lạc vô dâu bể chân mòn gót lê
Xa xứ ta biệt xa người chợ quê.

Đưa sáo qua sông rộng
Trăng nó cũng phai màu
Tiếng mái chèo còn in trong tôi
Trời xui chi đám mưa ngàn cánh rơi mau.

Chim báo bay xa rồi, trăng cũng bỏ tôi ngồi
Dưới bên đời sầm sập mưa rơi
Lòng như ai mới đong sầu vào đầy vơi.

Anh xin làm con đò đưa chim sáo em qua sông
Đò trôi êm ả qua miền ấu thơ
Câu hát ru khe khẽ theo mộng vào mơ.

Anh xin làm đôi bờ nâng niu bước chân em qua
Bờ bên kia lở tay người cách chia
Thương đất bên đây bồi những lời nỉ non.


Thời gian trôi lướt qua xác xơ miếng trăng tà
Bến cũ cây già ..Tôi về nghe mưa khóc hoài con sáo bay xa.

Chiều nay trên bến xưa hắt hiu bóng con đò
Gác mũi lên bờ khóc ngồi khóc đứng tiếc hoài con sáo sổ lồng

Con sáo bay xa...

Con gái 2















Hoàng hôn màu tím - Đò dọc - Cô lái đò bến Hạ









Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Của để dành - Tướng mạo dị thường của các ông vua Việt


Tướng mạo dị thường của các ông vua Việt

Lý Thái Tông tên húy Phật Mã, sinh năm Canh Tý (1000) ở chùa Duyên Ninh thuộc cố đô Hoa Lư. Ông là con trai trưởng của Vua Lý Thái Tổ và bà Lê Thị Phất Ngân, con gái Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và Dương Vân Nga.
Tượng Lý Thái Tông tại đền Lý Bát Đế.
Tương truyền, ngay từ khi lọt lòng, Lý Phật Mã đã có những dấu hiệu lạ lùng. Lúc bé, chơi đùa với bọn trẻ trong cung, ông thường bắt chúng dàn hàng tả hữu trước sau để làm quân hầu hộ vệ cho mình. Ông cho một vị đạo sĩ cái áo. Đạo sĩ treo cái áo trong quán, nửa đêm thấy rồng vàng hiện ra, khiến người ta duy tâm đây là lời "sấm truyền" cho một đế vương.
Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) rất chú ý tới Phật Mã và có ý nuôi dạy ông kế vị. Năm Nhâm Tý (1012), lúc mới 13 tuổi, Lý Phật Mã đã được lập làm Đông cung Thái tử, rồi được phong làm Khai Thiện Vương, đồng thời nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và lập được công lớn. Vì thế, triều thần cũng như thần dân lúc bấy giờ rất tôn kính Phật Mã. Năm 1028, vua cha mất, Lý Phật Mã lên ngôi.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận xét về Lý Thái Tông: “Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông". Ông là vị vua giỏi thời nhà Lý. Hơn 30 năm chinh chiến và trị quốc, ông đã củng cố nền cai trị của nhà Lý, chống lại những nguy cơ chia cắt, bạo loạn, xâm lấn, thu phục lòng dân, khiến cho nước Đại Cồ Việt trở nên vững mạnh.
Trần Nhân Tông: Có màu da như vàng ròng
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258), là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu. Khi mới sinh toàn thân màu da như vàng ròng - sáng chói. Vua cha đặt tên là Phật Kim. Sách Thánh Đăng ngữ lục chép: "Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật...”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Được tinh anh của Thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng ròng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng... Vai bên tả có một nốt ruồi đen, các nhà tướng số cho rằng: ngày sau sẽ gánh vác việc lớn".
Ảnh thờ Vua Trần Nhân Tông.
Trần Khâm được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi vào ngày 22/10 năm Mậu Dần (1278). Ông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, qua đời ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức lăng (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Các sử gia thời Hậu Lê đã viết về Trần Nhân Tông: "Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân".
Lê Thái Tổ: Miệng rộng, mũi cao và bả vai có 7 nốt ruồi
Về lý lịch xuất thân của Lê Thái Tổ (Lê Lợi), sách Đại Việt thông sử chép: "Vua sinh giờ Tí (tức từ khoảng 23h đến 1h sáng) ngày mùng 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), niên hiệu Xương Phù thứ 9 nhà Trần, tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Nguyên trước, xứ Du Sơn, thôn Như Áng Hậu thuộc làng này (Chủ Sơn), có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai.

Từ khi Vua ra đời thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ. Ngày Vua ra đời thì trong nhà có hào quang đô chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn lên thì thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên trái có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường".
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh, mở đầu triều Lê sơ, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Lê Lợi sinh ra trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Năm ông 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách. Rồi sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh, mở đầu triều Lê sơ, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mặc dù ở ngôi ngắn ngủi được có 6 năm nhưng những việc làm của ông vua này có ý nghĩa đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nên độc lập phồn vinh của quốc gia Đại Việt. Việc làm đầu tiên của Lê Thái Tổ là bàn định luật lệnh. Và nhờ cố gắng đó, hai năm sau (1430), Lê Thái Tổ đă cho ban hành những điều luật đầu tiên của triều đại mình".
Quang Trung: Mắt lập lòe như ánh điện
Nguyễn Huệ (1753 - 1792), còn được biết đến là Vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792). Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.
Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.
So với các hoàng đế khác trong lịch sử Việt Nam, có lẽ Quang Trung - Nguyễn Huệ được các sử thần lưu lại những miêu tả chi tiết hơn về vóc dáng, thậm chí miêu tả cả đến làn da, mái tóc và đặc biệt là đôi mắt: "Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng…“không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông” (Hoàng Lê nhất thống chí). “Đôi mắt lập lòe như ánh điện” (Đại Nam chính biên liệt truyện), “con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu” (Tây Sơn thuật lược)…
Sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung cũng trích dẫn tướng mạo của Hoàng đế Quang Trung theo mô tả của một quan viết sử dưới thời Nguyễn: “Huệ tóc quăn, mặt đầy mụn, có con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận thì thế thắng uy nghi, anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định được phương Nam, dẹp phương Bắc, tiến đến đâu thì không ai hơn được... Óc thông minh đó sẽ làm nên sự nghiệp lớn, tiếng nói sang sảng như chuông sẽ là lệnh truyền hiệu nghiệm đầy sức thuyết phục. Với đôi mắt như ánh điện, thay được đèn soi sáng cả chiếu vào lúc ban đêm, có thể xuyên thấu mọi tâm can sâu thẳm của mỗi con người, của đối phương nên đã làm người người đều kinh sợ. Cái nhãn quang đó cùng bộ óc thông minh của ông đã làm nên sự nghiệp phi thường như lịch sử đã ghi lại".
Ngoài ra, trong một phác họa chân dung vua Quang Trung in trên một tờ tiền giấy, hậu thế có thể thấy đôi mắt của vua là một đôi mắt đẹp đặc trưng kiểu người Việt Nam, nghĩa là đôi mắt to, hai mí lớn, nhãn cầu hơi lồi và ánh nhìn ngay thẳng, chính trực. Có lẽ do quá ấn tượng về nhân cách, tài trí vô song của vị vua áo vải này mà các sử gia đã phần nào “thần thánh hóa” đôi mắt của vua, nhằm cho đời sau cảm nhận được uy lực lạ lùng của đôi mắt ấy. Việc miêu tả chi tiết đôi mắt, làn da cũng như mái tóc của vua Quang Trung càng cho thấy sự gần gũi của vị vua có xuất thân dân dã này.
Theo Đất Việt