Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Phật dạy về các mối quan hệ trong gia đình - Tác giả: Huệ Pháp


Gia đình rất được xem trọng trong hệ thống tư tưởng của Phật giáo. Có hai loại gia đình là hạt nhân và mở rộng, mà trong đó, các thành viên gắn bó với nhau dựa trên mối quan hệ thân thiết và tình cảm. Một gia đình dù là hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái trong một gia đình, phổ biến ở các nước phương Tây) hay mở rộng (gồm cả ông bà, chú bác, cháu chắt… phổ biến ở các nước Á Đông) đều có quan hệ chặt chẽ với bà con họ hàng.
Trong nhiều bài kinh khác nhau, chúng ta có thể rút ra nhiều lời dạy của đức Phật về vai trò của các thành viên trong gia đình. Vai trò này có mối tương tác lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau mà nếu chúng được thực hiện tốt thì gia đình sẽ có an lạc và hạnh phúc, xã hội sẽ được yên bình và phát triển.
I- MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI.
a. Đạo làm con.
Trong kinh Tăng Bộ Chi, cha mẹ được sánh với Phạm Thiên, đôi khi còn được sánh ngang với đức Phật. Cha mẹ là món quà quý giá nhất, lớn nhất của đời người. Kẻ trí phải phụng dưỡng cha mẹ, lễ bái cha mẹ, chăm sóc và cung cấp thức ăn, nước uống, quần áo, giường nệm, xoa bóp thân thể khi cha mẹ ốm đau .v..v. Người con chí hiếu không những luôn được bậc thánh khen ngợi và hộ trì mà còn sanh thiên trong kiếp sau.
Đức Phật dạy về bổn phận và trách nhiệm của một con hiếu thảo đối với cha mẹ như sau:
1- Phụng dưỡng, bảo vệ và cung cấp những thứ mà cha mẹ cần.
2- Làm gia tăng tài sản của cha mẹ.
3- Giữ gìn thanh danh gia đình.
4- Rèn luyện nhân cách để xứng đáng là kẻ thừa tự của cha mẹ.
5- Làm việc công đức để hồi hướng cho cha mẹ khi họ qua đời.
b. Bổn phận và trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ.
Trước hết, cha mẹ là người có trách nhiệm giúp con mình hòa nhập với xã hội, dạy cho chúng phân biệt điều hay lẽ phải trong cuộc sống, cho chúng ăn học, cưới vợ gã chồng khi con cái đến tuổi trưởng thành, trao quyền quản lý tài sản tùy theo khả năng của chúng.
Nhưng bổn phận này sẽ có tác dụng tích cực khi con cái trưởng thành. Những gì cha mẹ cung cấp cho mình, chúng sẽ làm y như thế với cha mẹ. Người con sẽ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già, bệnh tật .v..v. Như thế, nhà nước sẽ không cần lập các viện dưỡng lão để chăm sóc các cụ già.
Khi thực hiện tốt bổn phận và trách nhiệm này của mỗi bên, thì cha mẹ và con cái sẽ giảm thiểu sự xung đột giữa họ. Nếu chúng ta kính trọng cha mẹ thì vợ và con cái sẽ kính trọng cha mẹ và ông bà. Và điều này chính là thành trì vững chắc để bảo vệ gia đình hạnh phúc. Sự kính trọng như thế không diễn ra một chiều mà phải có sự tương kính lẫn nhau.
II- MỐI QUAN HỆ GIỮA VỢ CHỒNG.
a. Là người vợ:
Trong một gia đình, bổn phận và trách nhiệm của vợ và chồng được xây dựng trên sự kính trọng lẫn nhau.
Kinh Tăng Chi Bộ có đề cập đến tám bổn phận và trách nhiệm mà một nữ cư sĩ Phật giáo nên trau dồi để làm tròn bổn phận cao quý là làm mẹ và làm vợ của mình trong một gia đình:
1- Sắp xếp các việc trong gia đình một cách hiệu quả.
2- Quan tâm đến người làm công, người ở.
3- Cố gắng làm vui lòng chồng.
4- Khéo bảo quản tài sản mà chồng kiếm được.
5- Có niềm tin vào tôn giáo.
6- Giữ gìn tiết hạnh.
7- Tốt bụng.
8- Rộng lượng.
Người vợ phải xem cha mẹ chồng như là cha mẹ của mình. Rộng lượng và yêu quý bạn bè và họ hàng của chồng, đối xử với họ hết mực kính trọng và thân ái.
Một lần nọ, đức Phật chỉ dạy cách làm dâu cho một nhóm thiếu nữ sắp kết hôn như sau: Người vợ trẻ phải dạy sớm, siêng năng làm việc, sắp xếp công việc nhà chu toàn, nói năng hoà nhã, tôn trọng và quý kính những người mà chồng mình kính trọng, phải giỏi việc nữ công gia chánh.
Hay như trong Kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có đưa ra 7 loại người vợ để giáo hóa một cô vợ kiêu ngạo, ỷ mình có sắc đẹp và dòng dõi xuất thân của mình nên khinh thường chồng và cha mẹ chồng: vợ như kẻ sát nhân, như người chị, như người thầy, như người mẹ, như kẻ cướp, như người bạn và như người đày tớ. Sau khi giải thích tỉ mỉ các hạng người như thế, đức Phật hỏi cô ta chọn cách làm vợ nào?. Vì đã bị chinh phục bởi trí tuệ của Ngài nên cô ta không còn cống cao ngã mạn, nên đã xem mình như là đầy tớ của chồng. Tuy nhiên, đức Phật không khuyến khích vai trò này, và Ngài dạy rằng, người vợ chính là người bạn thân thiết nhất của chồng.
b. Là người chồng:
Người chồng luôn chung thủy với vợ, không nên đi tìm phụ nữ khác, điều đó sẽ khiến cho gia đình đổ vỡ. Vợ chồng nên xây dựng gia đình trên nền tảng yêu thương, tin tưởng và kính trọng lẫn nhau. Chính điều đó là động cơ thúc đẩy người chồng giao phó tài sản gia đình cho vợ quản lý. Do đó, người vợ được giao phó một vị trí hết sức quan trọng trong gia đình.
Người chồng có phận sự mua sắm quần áo, trang sức cho vợ mình. Điều đó làm đẹp lòng phụ nữ, đặc biệt là được chồng mình mua tặng. Đó cũng là một cách tỏ lòng yêu quý vợ. Một cuộc sống như thế tràn đầy tình thương, cảm xúc và chân thành.
Nếu gia đình có người làm thuê hay đày tớ thì mối quan hệ chủ-tớ cũng góp phần quan trọng trong việc phát huy hạnh phúc gia đình. Vì lý do đó, đức Phật đã dạy về bổn phận và trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ này. Người chủ nên phân loại công việc để giao cho người làm công tùy theo sức lực của mình, như không thể giao công việc nặng nhọc cho người đày tớ già. Chủ nhà phải cung cấp thực phẩm, cùng loại với những thứ mà chủ nhà và gia đình ăn. Người làm thuê phải được trả lương xứng đáng với công việc của họ. Bất kỳ sự bóc lột sức lao động của người làm thuê đều dẫn tới kết quả tai họa cho gia đình người chủ. Khi người làm công bệnh, họ nên được nghỉ ngơi, được cung cấp thuốc men. Và cuối cùng nên tạo điều kiện để họ được nghỉ ngơi và giải trí.
Anthapiṇḍika, một thương nhân Phật tử nổi tiếng thời đức Phật đã đối xử với nô bộc của mình hết mực thương yêu và quan tâm lo lắng. Một lần nọ, khi đang tham dự khóa tu thì ông nghe tin nô bộc của mình bị bệnh. Sau đó ông liền tới thăm và hỏi han bệnh tình: “Này con trai, cảm thấy trong người thế nào”. Sau đó, tự tay ông lấy thuốc và đưa cho anh ta uống. Đó chính là tấm gương mà người chủ nên thể hiện với người làm công cho mình. Còn trong gia đình, nên xem những người làm công, đày tớ như một bộ phận quan trọng của gia đình, xem họ như ‘người con’ của gia đình.
Ngược lại, người làm thuê hay đày tớ phải cần cù siêng năng làm những việc mà chủ nhà giao phó, chấp hành kỷ luật và kính trọng chủ nhà và các thành viên của gia đình chủ nhà. Người làm công nên thực hiện những gì chủ nhà đề nghị, không nên trái lệnh. Không nên học tánh lừa lọc hay gian lận, không nên nói xấu hay chỉ trích chủ nhân.
Một gia đình có hạnh phúc hay không, một gia đình có đóng góp cho xã hội những nhân tố tích cực hay không tuỳ thuộc vào mỗi thành viên trong một gia đình có làm tròn bổn phận và trách nhiệm, mà đức Phật đã chỉ dạy, ngay chính trong gia đình của mình.  
………………………………
Sách tham khảo:
1- Buddhist sociology. Prof Nandasena Ratnapala. Delhi , 1992.
2- Tăng Chi Bộ Kinh. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. ViệtNam. 1996.
3- Tương Ưng Bộ Kinh. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Việt Nam . 1993.

Không có nhận xét nào: