Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Của để dành - Ca sĩ Lan Ngọc


Đến thăm gia đình ca sĩ Lan Ngọc vào ngày cuối tuần, gặp lúc anh chị đang cùng nhau vào bếp. Chị Ngọc cười: "Trong nhà mình, việc gì 2 vợ chồng cũng cùng làm. Có hôm người giúp việc về quê, 2 ông bà già lại cùng nhau lau nhà, nấu cơm đấy".
Chính nhờ sự "cùng nhau" giản dị ấy mà đã gần 40 năm, hạnh phúc vẫn ngập tràn trong ngôi nhà ấm áp.
Tình yêu đến tự lúc nào chẳng rõ...
Không lãng mạn, cũng chẳng phải tiếng sét, tình yêu đến với họ thật tự nhiên. Những năm 1970, Lan Ngọc là ca sĩ có tiếng, lại trẻ trung, xinh đẹp nên bao người theo đuổi. Nhưng chưa một ai làm trái tim cô ca sĩ kiêu kỳ kia rung động.
Anh Tâm là bạn của anh trai Lan Ngọc, anh thường xuyên đến nhà chị, lại là bác sĩ thế nên đại gia đình chị mười mấy thành viên, mỗi khi có ai đau bệnh, một tay anh săn sóc. Chị Ngọc bảo: "Lâu dần, bố mẹ và mấy đứa em mình đều xem anh ấy như người ruột thịt".
Nhớ lại những ngày ấy, anh Tâm cười mãi: "Hồi ấy, lòng mình "tình trong như đã" rồi nhưng chẳng dám ngỏ lời, còn Ngọc thì vô tư phát sợ".
Vô tư đến mấy, rồi chị cũng dần cảm nhận được sự chăm sóc đặc biệt của anh dành cho mình. Khi thì một liều thuốc cảm sau đêm đi hát gặp mưa, lúc cuốn sách, hay một đĩa hát chị tìm kiếm từ lâu... Thế rồi, cũng đến một ngày chị bắt đầu cảm giác như thiếu thiếu điều gì khi không thấy bóng dáng quen thuộc, giọng nói và tiếng cười ấm áp của anh.
Họ chẳng còn nhớ lời yêu đầu dịu ngọt như thế nào. Tình yêu đến êm đềm như những bản tình ca chị hát, như vòng xe nhịp nhàng anh đưa đón chị mỗi đêm. Năm 1972, họ thành đôi trong niềm vui của 2 gia đình.
Bù đắp và hy sinh cho nhau để giữ gìn mái ấm
Những năm đầu sau giải phóng, có thời gian chị không đi hát, anh lại chưa có việc làm ổn định. Nhiều năm sau ngày cưới nhà vẫn thiếu tiếng khóc trẻ thơ. Chị bảo lúc ấy buồn đến không chịu nổi. Cũng may anh luôn an ủi, động viên chị hy vọng...
Rồi hạnh phúc đơm hoa. Năm 1982, chị sinh bé Bảo Trang, anh cũng mở phòng mạch. Kinh tế gia đình ngày một vững vàng. Chung sống gần nửa đời người, ít khi nào anh chị to tiếng, nặng lời với nhau. Nói về hạnh phúc đang có, chị bảo: "Ông bà mình nói nào có sai: Chồng giận thì vợ bớt lời... giữ được hòa khí trong gia đình là do vợ chồng mình tôn trọng, bù đắp và hy sinh cho nhau".
Chẳng hạn, chị tự nhận khả năng nội trợ "dưới trung bình" còn anh lại nấu ăn rất khéo. Chị nóng tính, anh trầm tính nhự nhàng. Chị lý trí bao nhiêu, anh đa cảm bấy nhiêu.
Yêu nhau không cần phải nói thành lời
Nói về chị, anh không giấu vẻ tự hào: "Ngọc là người sống mẫu mực. Đi hát xong là về với chồng con, ít khi nào tham gia những cuộc vui bên ngoài. Cô ấy là ca sĩ, lại xinh đẹp nhưng mình chẳng có cớ gì để ghen tuông cả".
Yêu vợ, hiểu và tôn trọng vợ anh cố gắng vun vén để trở thành trụ cột kinh tế gia đình, cho chị yên tâm thỏa lòng với niềm đam mê của mình.
Bảo Trang, con gái anh chị, đang du học ở Mỹ. Trang xinh đẹp, hát hay như mẹ, học giỏi và theo nghề y của bố.
Ngoài niềm vui con trưởng thành, anh chị tìm thấy hạnh phúc trong công việc, trong sự sẻ chia và chăm sóc lẫn nhau. Bao nhiêu năm, anh vẫn sớm hôm đưa đón chị đi hát, vẫn mày mò lên mạng sưu tầm những bài hát và đĩa nhạc cho chị. Và trong mắt anh, "ca sĩ vợ" là ngôi sao duy nhất.
Còn chị, giọng hát vẫn nồng nàn, ấm áp và khỏe khoắn như xưa. Hỏi bí quyết, chị nhìn anh âu yếm: "Đó là nhờ luôn được ông bác sĩ tư gia này chăm sóc hoàn toàn miễn phí".

===//===

Ca sĩ phòng trà: Lan Ngọc - Hát suốt 40 năm và hơn nữa...

Ca sĩ Lan Ngọc - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với lớp ca sĩ hiện tại trong nước thì Lan Ngọc xứng đáng là một người chị gương mẫu “sống chết với nghề”. Giọng hát vượt thời gian của người đàn bà tuổi Mậu Tý này luôn cháy lửa đam mê.

Chị sinh ra trong một gia đình công chức có ông bố thích sưu tầm, chép lại những bài hát bất hủ như Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Buồn tàn thu (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)... Người mẹ dù không hề biết một nốt nhạc nào, chỉ nghe qua radio và hát theo nhưng chừng ấy cũng đủ thẩm thấu vào tâm hồn cô con gái rượu. Ngay từ thuở nhỏ, Lan Ngọc đã rất thích ca hát và là cây văn nghệ nòng cốt của nhà trường, rồi là ca sĩ chính của Hội Khiếm thị chuyên đi hát gây quỹ từ thiện. Ông bố thấy con gái mê hát quá bèn “ký gửi” cho cặp nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu kèm cặp. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát đã đưa Lan Ngọc vào Đài phát thanh Pháp Á ghi âm bài hát đầu tiên vào năm 1967, bước khởi nghiệp chính thức để trở thành ca sĩ, đó là ca khúc Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong)...
Kể từ đó, Lan Ngọc là ca sĩ “nhí” nhất so với lứa đàn chị Mai Hương, Mai Hân, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Kim Tước, Châu Hà... Cô luôn có mặt trong các chương trình ca nhạc Tiếng Thời Gian (của Mạnh Phát), Tiếng Tơ Đồng (của Văn Phụng - Hoàng Trọng), Tiếng Thùy Dương (của Châu Kỳ)... Lan Ngọc còn được nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả Mưa rừng, Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca, Thuở đó có em... - NV) hướng dẫn nên ngày càng thăng tiến trong lĩnh vực ca nhạc. Trong rất nhiều dòng nhạc ở miền Nam dạo đó, Lan Ngọc chọn thể hiện những ca khúc tiền chiến của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác, Phạm Duy..., đôi khi chị cũng hát những ca khúc điệu Boston của Y Vân. Dạo ấy, Lan Ngọc thường hát ở các phòng trà Vân Cảnh, Queen Bee, Maxim, Đêm Màu Hồng... Nổi tiếng rồi nhưng mỗi đêm không bố thì mẹ vẫn thay nhau đưa đón, cho đến một ngày họ “nhượng quyền” đưa đón con gái mình cho một thanh niên có được sự tín nhiệm, đó là chàng bác sĩ - bạn của anh trai Lan Ngọc.
Kỷ niệm không bao giờ quên trong đời ca hát của Lan Ngọc là dạo cô mới ở tuổi đôi mươi, hát ở phòng trà La Sirène. Trong số khán giả có một cặp vợ chồng lớn hơn cô khoảng chục tuổi, dắt theo đứa con gái chừng lên 5. Họ hầu như song hành với cô mỗi đêm, thường ngồi ở hàng ghế đầu và luôn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly của Dzoãn Mẫn. Trong thâm tâm, Lan Ngọc rất biết ơn và coi họ như những người bạn tri âm. Bẵng đi một thời gian không thấy họ lui tới. Sau đó, chỉ còn người đàn ông đeo chiếc băng tang dắt con gái tới. Vẫn ngồi vào chiếc bàn đó, vẫn gọi một ly nước cho chiếc ghế trống bên cạnh và vẫn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly... Đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mỗi lần cất tiếng hát “Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly sóng trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng...”, Lan Ngọc lại nghẹn ngào nhớ đến người xưa, cảnh cũ...
Có một điều là với Lan Ngọc, ca hát là cái nghiệp, là máu thịt nên không thể dứt ra được. Hiện nay, chị vẫn hát thường xuyên ở nhà hàng ca nhạc Ân Nam, Q.3, TP.HCM, cuối tuần thì chị hát ở Quán Trịnh trên đường Âu Cơ, Q.11.  Chị còn là hội viên của Hội quán Hội Ngộ (khu du lịch Bình Quới I) nên mỗi dịp có chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chị luôn là ca sĩ đứng đầu danh sách biểu diễn. Đặc biệt, Lan Ngọc không hề từ khước một lời mời hát từ thiện nào. Ngoài danh mục nhạc tiền chiến, Lan Ngọc còn thể hiện rất thành công những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và hẳn nhiều người còn nhớ chị từng gây ấn tượng với 2 bản nhạc của nhạc sĩ quá cố Giáp Văn Thạch: Quê hương (thơ Đỗ Trung Quân), Cánh hoa dầu...
Mặc dù cuộc sống hiện tại của chị rất sung túc, là chủ nhà hàng ca nhạc Ân Nam (góc Trương Định - Võ Thị Sáu, TP.HCM), có một căn nhà mặt tiền ở Q.5, và đã hơn 40 năm theo nghề, nhưng chị vẫn đi hát, bởi vì “trời còn cho mình hát được thì cứ hát”. Chị tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của đời tôi là tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ. Trong tôi vẫn cháy bỏng niềm đam mê ca hát và vẫn hát được những ca khúc mà mình từng thể hiện thành công thuở thanh xuân. Tôi nghĩ đó cũng là điều mơ ước của hầu hết những ai theo nghề ca sĩ, và tôi mãn nguyện về điều này”.
Điều chị muốn gửi gắm đến thế hệ ca sĩ đàn em là phải có niềm đam mê, yêu nghề và nhất là phải tôn trọng khán giả. “Bây giờ tôi thấy nhiều em khi biểu diễn có thái độ rất hời hợt, có người còn hát nhép. Thời chúng tôi, ngoài giọng hát thiên phú còn phải luôn trau dồi, học hỏi, hát làm sao để truyền tải được ý đồ của tác giả đến người nghe... Ca sĩ bây giờ được sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nhiều quá nên phần nào có sự ỷ lại, không nỗ lực như lớp chúng tôi ngày xưa...”.
Hà Đình Nguyên

Không có nhận xét nào: